CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CÓ ĐƯỢC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP KHÔNG?

“Công chức, viên chức có được thành lập doanh nghiệp không?” Đây là thắc mắc của rất nhiều bạn đọc gửi đến LEGALAMTAX. Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn đọc một cách dễ hiểu nhất.

1. KHÁI NIỆM VỀ CÔNG CHỨC VIÊN CHỨC

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định về công chức theo đó:

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức 2010 quy định về viên chức theo đó:

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

2. CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CÓ ĐƯỢC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP KHÔNG?

Căn cứ tại điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sảnLuật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, theo quy định trên Công chức, viên chức không được phép thành lập doanh nghiệp.

3. TẠI SAO CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC KHÔNG ĐƯỢC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP?

Công chức, viên chức là những người làm việc trong cơ quan Nhà nước. Trong nhiều trường hợp, công chức giữ vai trò quản lý Nhà nước trong ngành, nghề, lĩnh vực nhất định. Với vị trí đó, việc không cho phép công chức thành lập doanh nghiệp được cho là biện pháp ngăn chặn tình trạng tham nhũng có thể xảy ra.

Công chức, viên chức vừa đồng thời là người quản lý, vừa đồng thời là người kinh doanh sẽ dễ dẫn đến tiêu cực, dễ biến doanh nghiệp trở thành “sân sau” của mình để thu lợi bất chính.

4. CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CÓ QUYỀN GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN HOẶC MUA PHẦN VỐN GÓP KHÔNG?

Căn cứ khoản 3 Điều 17 Luật Doanh Nghiệp 2020 có quy định rằng cán bộ, công chức, viên chức vẫn có quyền góp vốn vào các doanh nghiệp, cụ thể là góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh. Chỉ ngoại trừ trường hợp là đối tượng bị cấm góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định.

3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định Luật Cán bộ, công chức, viên chức và Luật phòng chống tham nhũng bao gồm:

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức vẫn có thể được góp vốn vào doanh nghiệp, trừ trường hợp thuộc các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Tác giả
Luật sư Hạnh

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Về chúng tôi

Legalam Law & Tax là công ty luật uy tín cung cấp dịch vụ pháp lý toàn diện cho doanh nghiệp một cách tận tâm, chuyên nghiệp

Liên kết

Trang chủ

Giới thiệu

Liên hệ

Liên hệ

Phòng 401 Tháp A Keangnam, Đường Phạm Hùng, Phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

[email protected]

0902291359